Review Truyện Kim Sơn Hồ Điệp

Review 3074 lượt xem
truyện tình yêu thứ ba review

KIM SƠN HỒ ĐIỆP

Tác giả: Duy Đao Bách Tích
Thể loại: Xuyên không, dân quốc, cận đại
Tình trạng: Hoàn convert, đang edit

Link đọc kim sơn hồ điệp

? Văn án:
Hoài Chân tỉnh lại, phát hiện bản thân đã biến thành Mộng Khanh – một cô dâu nông thôn người Quảng Đông lặn lội ngàn dặm đến thành phố Vancouver ở Canada tìm chồng.
Trong khoảnh khắc mở mắt ra, cô đã ở khoang dưới cùng của một chiếc tàu du khách băng qua Thái Bình Dương. Một bức thư đến từ Vancouver, bức thư tình viễn dương do phu quân Ôn Mạnh Băng của Mộng Khanh chính tay viết chính là tất cả hành lý mà cô có.
Lúc này cô mới hay, Mộng Khanh chưa bao giờ đi học, không biết tiếng ngoại quốc và cũng không biết tiếng Anh đã bị lừa bán.
Con tàu này không phải hướng về Vancouver.
Mà là một con thuyền vượt biên chạy đến San Francisco, chở đầy kỹ nữ Trung Quốc đến phố người Hoa.
***
Lâm vào thời buổi loạn lạc lại chỉ có một thân một mình, mới đầu Hoài Chân chỉ muốn chọn một mảnh đất cách xa chiến loạn, yên ổn sống qua ngày.
Nhưng không ngờ chỉ vừa theo những kẻ buôn người nhập cảnh thì đã bị những người Mỹ bài trừ Trung Quốc cấp tiến nổi danh ở bờ biển Đông bắt mất.
***
“Bộ mặt của phố người Hoa, không được lịch sự cho lắm, dọc theo phố là những chuỗi cửa hiệu, thỉnh thoảng có một hai quán ăn hay quán cà phê, đường phố chật hẹp, người đi đường rất đông. Đám trẻ chơi dưới hành lang bẩn thỉu. Lối đi bộ ô uế bẩn thịu, cửa hàng thịt bốc mùi thối rữa, du khách đến đây đều vô cùng mất hứng quay về.
Phố người Hoa ở San Francisco, được gọi là “Trung Quốc lớn nhất ngoài Châu Á”.
“Chín mươi chín phụ nữ Trung Quốc ở phố người Hoa San Francisco là kỹ nữ. Nếu bạn nhìn thấy cô gái Trung Quốc mười bốn mười lăm tuổi ở hải quan tuyên bố mẹ mình vừa qua đời, nhờ cậy cha cao tuổi đến Mỹ kiếm sống, thì không còn nghi ngờ gì nữa, bọn họ sắp bán đi đêm đầu tiên của mình. Gặp may thì có thể bán được ba nghìn đô la.”
***
Nếu không phải chính tai nghe được ngữ pháp tiếng Đức hoàn chỉnh phát ra từ miệng cô gái có vẻ nghèo hèn kia, thì cả đời này Cesar sẽ không bao giờ đặt chân vào con phố Sacramento nổi tiếng tệ hại này nửa bước.
Ma xui quỷ khiến đi theo bước chân của cô ấy đến một tiệm tạp hóa vô cùng dơ dáy, trên tấm biển treo ngoài cửa u ám có viết: con gái, năm văn tiền một pound.
Ông chủ cửa tiệm nhoẻn cười để lộ hàm răng sứt mẻ với anh, dùng tiếng Anh bồi bắt đầu nịnh nọt bắt chuyện: “Ở chỗ chúng tôi có con gái vừa non vừa sạch, tươi như hôm nay vậy.”
Không biết thế nào anh lại nhớ đến cái cân lúc cô dẫm lên bến tàu hòn đảo thiên thần di dân, lúc đó nhân viên hải quan đã nói, “Hoài Chân, tám mươi lăm pound.”
~*~
? Có một slogan mà giới trẻ ngày này xem như một cẩm nang để đi đến thành công, đó là “dám khác biệt”. Ấy là ở thời đại công nghệ 4.0, mọi thứ trên thế giới này đều tiến gần đến trạng thái “cạnh tranh hoàn hảo” thì sự khác biệt sẽ làm nên thương hiệu. Nhưng nếu là gần 100 năm trước thì sao? Lịch sử từng nói cho chúng ta hay, cái chờ đợi những nhà cải cách không phải là bánh mì hay hoa hồng, đó là đòn roi, là gai góc, là máu thịt đổ xuống.
Trong dòng chảy của lịch sử, có bao nhiêu điều đã đi xa quỹ đạo ban đầu. Có bao điều lịch sử từng bài xích, rồi chính nó lại trở thành chân lý, ví như trái đất hình vuông hay hình tròn, ví như những chiếc bóng đèn được coi là ngọn lửa ma trơi… lại ví như người Hoa từng bị nước Mỹ bài xích thì giờ đã thành công trường của cả thế giới. Nếu xem lịch sử là một nhân vật hiện hữu, nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì không biết đã “tự vả” bao nhiêu lần, mình mạo muội dự đoán, khuôn mặt của người bạn có tên là “lịch sử” có lẽ có khả năng quay 360 độ trên cổ cũng nên.

? Vậy nên, hãy thử hình dung, một cô gái thời hiện đại xuyên về quá khứ, không phải ở quốc thổ mà là ở dị quốc, và vào thời kỳ phong trào bài Hoa nặng nề nhất, sẽ bắt đầu mọi thứ như thế nào? Đặc biệt là khi, cô gái đó, nhỏ bé yếu đuối, không thân, không thích, không có giấy tờ, chỉ có một khế ước bán mình vô thời hạn. Quý Hoài Chân của năm 1931, khi ở trên con tàu Santa Maria để nhập cảnh trái phép vào Mỹ chẳng khác gì một tảng băng đang dần chìm dưới ánh mặt trời, thời điểm tối tăm đó, cô có 2 lựa chọn: một là an ổn làm cô vợ nhỏ của thiếu gia ăn chơi nhà họ Hồng, một nữa, là tìm cách thoát khỏi cái vũng lầy mà cô bất ngờ sa chân xuống.

? Quý Hoài Chân trời sinh có lẽ đã là “tay cờ bạc”. Canh bạc đầu tiên cô chơi là với Hồng Lão gia của phố người Hoa để tìm cơ hội thoát thân cho mình – và từ chối thân phân đã định trước là làm cô con dâu thứ 6 nhà họ Hồng. Canh bạc thứ 2 cô cá cược, là với tay “người da trắng bài Hoa Ceasar”, để anh chịu xuất hiện mua cô tại nơi đấu giá.
Hồng lão gia đã tổng kết về Hoài Chân làm mình rất tâm đắc: “Con bé này mới đến mà đã muốn cá cược với ta, thú vị lắm. Người đến phố người Hoa này để làm gì? Chính là để đánh bạc. Người ta luôn nghĩ đánh bạc là dựa vào vận may, nhưng một chữ “ổn” lại quan trọng hơn “vận” nhiều. Ổn, tức là không loạn. Ngoài ra thì không thể tham lam, phải biết cam tâm. Ổn, lại không tham, như thế “vận” có muốn chạy cũng không chạy được. Con bé này làm được điều đó…”. (*)

? Hoài Chân thành công chạy khỏi buổi đấu giá, thành công lấy lại được khế ước bán mình, và đó là khởi đầu cho hành trình của cô – hành trình của một cánh bướm tại Mỹ. Cô từ một kẻ tứ cố vô thân lại có một mái ấm, có người cha A Phúc hết lòng thương yêu, có người chị Vân Hà hết lòng bảo vệ, có người mẹ La Văn mang đầy đặc trưng của một người phụ nữ tiểu nông: tham lam, ích kỷ nhưng tận sâu trong đáy lòng lại vẫn không đánh mất đi cái lương thiện cơ bản của con người. Hơn hết, cô có một anh chàng gốc Đức Ceasar, bài Hoa nhưng lại sẵn sàng xem cô như một người bạn.

? Ceasar và Hoài Chân từng có vài buổi hẹn hò trước đó, kiểu phim giả tình giả. Ấy vậy mà, cuộc hẹn hò hàng thật giá thật đầu tiên lại diễn ra, khi má cô sưng vù lên vì một cái tát của một tay cảnh sát luyện cử tạ, khi tay anh trật khớp vì đánh nhau – cũng không hẳn xả giận cho cô mà là xả đi cái bất lực của chính mình. San Francisco sau 20h30 chẳng còn nơi nào dung nạp được họ, thế giới của anh bài xích người da vàng, thế giới của cô bài xích người da trắng, trong cái mông lung hỗn độn của buổi tối hôm đó, họ rong ruổi với vết thương thể chất và gánh nặng tâm hồn, cùng lang thang đi trên một chiếc xe, tựa như chỉ có đất trời là chứa đựng được họ lúc này.
Có ai nghĩ rằng, một người bài trừ người Hoa và một người Hoa vượt biên trái phép lại có thể tình sâu nghĩa nặng? Ai có thể nghĩ rằng, một người bài Hoa như Ceasar lại chở cô vào ký túc xá cảnh sát liên bang, đi lấy cảnh phục và bật lửa cho cô đốt đũng quần, đốt áo sơ mi để trả thù xả giận? Ai có thể nghĩ rằng, con người đạo mạo Ceasar lại chửi đồng nghiệp là “đám cớm ngu ngốc, lũ da trắng chết tiệt” bằng bình xịt sơn trắng lên tường.
Nghe có vẻ trẻ con ấu trĩ, thế mà là độc giả, mình lại thấy hả lòng hả dạ biết bao. Có lẽ, Ceasar cũng không biết, giờ phút đó, anh đã chọn đứng bên cô tự lúc nào.

? Mối tình nước Mỹ ở thập niên 30 của thế kỷ trước làm mình tha thiết hoài niệm mối tình đầu những năm đầu thế kỷ 21. Ngày mà điện thoại bàn còn chưa phổ biến, ngày muốn nghe thấy tiếng nói của nhau thì cần phải gọi tới hai cuộc gọi, cuộc đầu là để nhờ nhắn, cuộc thứ hai mới có thể gặp được người cần gặp, ngày mà nói với nhau một câu tình cảm thôi cũng phải xuống giọng đến tông thấp nhất, tim đập khắc khoải vì sợ cả thế giới nghe thấy, hay là khi một câu nhớ nhung tràn qua ống nghe, cũng sợ cả thế giới nghe hộ mình, hệt như Hoài Chân ở San Francisco nghe người bên kia New York thì thào trong chăn “Anh nhớ em, thật sự khao khát muốn có em …” (*)
Có những khi rơi vào biển tình cũng hệt như rơi vào lưới nhện, những dịu dàng của người kia như sợi tơ chậm rãi len lỏi vào tận trong cốt tuỷ, rung lên những nhịp khẽ khàng mà âm vang, như phím đàn dẫu đã ngừng mà âm thanh còn vang vọng mãi, như hòn sỏi dẫu đã chạm đáy mặt hồ vẫn còn gợn sóng lăn tăn, yêu thương đó đủ làm rung động con tim mạnh mẽ của Hoài Chân, cũng làm rung lên sợi dây của chiếc chuông mang tên hoài niệm vốn đã ngủ quên của bao độc giả, trong đó có mình. Dõi theo bước chân của họ, mình nhớ đến 4 câu trong bài thơ Trường Tương Tư nổi tiếng:
“Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thuỷ”
(Trích Trường tương tư – Lương Ý Nương)
Có những nuối tiếc chỉ những ai từng trải nghiệm yêu xa mới thấu hiểu, mới đồng cảm đến từng con chữ. Như khi giữa trời lạnh thèm một vòng tay ôm, như giữa đám đông thèm một một ánh mắt, như khi khiêu vũ thèm lắm một bàn tay, như khi đi giữa phố thèm lắm một người đẩy mình sang phía tay phải của người ấy… Những nuối tiếc đó vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về sự yêu xa (còn chưa kịp trắc trở) của Ceasar và Hoài Chân, cũng là ngọn gió thổi bùng ngọn lửa thành đám cháy lớn giữa họ.
Có những mối tình như thế, biết là có lẽ số phận họ sẽ lướt qua nhau như hai phía của đường một chiều, thế nhưng tình cảm của họ lại dây dưa muốn bắc một chiếc cầu vượt để không ai đành bỏ lỡ. Nếu hỏi mình, sự khác biệt của những mối tình khắc cốt ghi tâm tu thành chính quả và nửa đường đứt gánh là gì, mình nghĩ, chỉ có một điểm khác biệt thôi, đó chính là “dám trả giá”. Khi nỗi tương tư vượt quá chiều dài của một dòng sông, xuyên qua cánh đồng và đại dương bao la, vượt từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, vượt qua rào cản về thân phận của họ, sợi dây nối giữa họ nửa mong manh, nửa bền chắc, nếu không “dám trả giá”, có lẽ chuyện của họ sẽ là một phiên bản khác của biết bao bi kịch sớm nở tối tàn.

? Là một người đàn ông mang dòng máu Đức trong gia tộc Muhlenberg thành đạt ở cả bờ Tây lẫn bờ Đông nước Mỹ thuở đó, nếu nói làm một hậu duệ thương nhân thành đạt với Ceasar độ khó level 1, khăng khăng vào Lục quân và chống lại ý muốn gia tộc độ khó level 10, tự do gian díu với một cô nàng không tên không tuổi nào đó không do gia tộc quyết định độ khó level 50, thì anh đã thành công lập kỷ lục vượt xa ranh giới mà Athur – ông nội anh có thể chấp nhận được, bằng việc yêu đương – với một cô nàng người Hoa da vàng. Giá của cú bug này không hề rẻ chút nào, nhưng không sao, với anh, Hoài Chân xứng đáng để anh bỏ hết tất cả tìm đến cô, xứng đáng để anh đánh rơi thân phận Muhlenberg đồng hành cùng cô, xứng đáng để anh nói lời xin lỗi cô, xin lỗi vì chuyến tàu không cho phép người da vàng và người da trắng ngồi chung toa, xin lỗi vì anh, xin lỗi vì đất nước họ cư ngụ.
Có thể sẽ có độc giả bảo Ceasar bị “nghiệp quật” khi quay ngoắt thái độ từ cay nghiệt, soi mói, bài xích đến kiếp thê nô khi theo đuổi Hoài Chân, mình thì lại không hề thấy có chỗ nào bất ổn trong tư duy và hành động của chàng trai trẻ gốc Đức ấy. Quá trình đó được tích luỹ từ lượng đổi đến chất đổi, từ tò mò, kinh ngạc, tìm tòi, khám phá đến bình đẳng, thấu hiểu và tôn trọng rồi đến che chở và yêu thương, dù nó không dài đằng đẵng, dù nó điểm xuyết cả cách biệt về địa lý, nhưng nó đủ thuyết phục, và Hoài Chân xứng đáng được yêu thương như thế.

? Kim Sơn Hồ điệp không chỉ là một câu chuyện về một mối tình xuyên chủng tộc, đó là cả một câu chuyện có khảo cứu lịch sử của cộng đồng người Hoa ở San Francisco, về lịch sử đấu tranh của các phe phái nước Mỹ, về văn hoá đa sắc tộc tại Mỹ và cách con người tồn tại, về quá trình nước Mỹ dung nạp sự đa chủng tộc thành một chỉnh thể hợp nhất. Mỗi chương truyện là tên một con phố, một quả đồi, một địa danh… mang lại cho mình nhận định, có lẽ, tác giả có vốn sống cực kỳ phong phú về những địa danh đó, hoặc đã từng có trải nghiệm sâu sắc về nó.
Nói thêm một chút về con phố người Hoa nổi tiếng ở San Francisco và những con người sống trong đó, khi dõi theo câu chuyện, mình có cảm giác như, tác giả đã lồng vào đó hào khí của người Hoa. Mình rất thích người cha nuôi A Phúc thấu tình đạt lý, mình cũng thích Già Huệ lương y mang phong cách thân sĩ, mình chẳng ghét nổi lục thiếu gia Hồng Lương Sinh chọc trời khuấy nước rất có phong cách ngang tàng của Từ Hải, thậm chí là cả ông già Hồng Vạn Quân là “bố già” của cả phố cũng khiến mình kính nể khi chọn hy sinh bản thân để bảo vệ “thằng sáu khốn khiếp”, hay cả bà vợ nhỏ tú bà người Latin của Hồng Vạn Quân, sống chẳng phải là vợ, lại nguyện treo cổ cùng ông trong ngày hành quyết. Những người Hoa thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai ấy, dường như muốn nói “chúng tôi là thế đấy”, dẫu nước Mỹ thích hay không thích, có hề gì. Cuộc đấu tranh giữa cộng đồng người Hoa và xã hội da trắng thuở đó hiện lên trong mô tả của tác giả không quá khốc liệt và đẫm máu là bởi, tác giả đang mô tả về “góc sáng”, những “góc tối”, bằng cách này hay cách khác, được làm mờ, được giảm nhẹ, được phác hoạ có phần “anh hùng hào kiệt” mang tư tưởng của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, có phần nghĩa khí, có phần quân tử mà thiếu đi phần “xấu xa bỉ ổi”, khiến cho người đọc sẽ hoang mang mà nghĩ rằng, những xấu xa của một lớp người da vàng mà người da trắng bài xích, toàn là sự đặt điều  [thôi dù sao cũng vote một phiếu cho tinh thần yêu nước của tác giả].

? Kim Sơn Hồ Điệp được viết một cách kỹ càng, lại được nhà Qin edit mượt mà, thật sự là một tác phẩm đem lại cho mình hứng thú không nhỏ, cũng cung cấp rất nhiều kiến thức về văn hoá, xã hội và lịch sử thời bấy giờ. Là một độc giả không dành nhiều tình cảm cho dòng truyện dân quốc, Kim Sơn hồ điệp vẫn hấp dẫn mình một cách sâu sắc, hiếm có câu chuyện nào mình vừa đọc vừa liên tục google search như cuốn này, một phần là để tìm hiểu, phần còn lại chính là xác thực những thông tin tác giả đã dày công khảo cứu.
Trân trọng đề cử 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *