Review Truyện Cuộc Gặp Gỡ Chí Mạng

Hiện Đại 656 lượt xem
cuộc gặp gỡ chí mạng

CUỘC GẶP GỠ CHÍ MẠNG
Tác giả: Lưu Tiểu Mị
Thể loại: Hiện Đại, Cường thủ hào đoạt, HE
Tình trạng: Sách xuất bản
Review bởi: Yang Vivian
Giới thiệu:
Sau một tai nạn giao thông thảm khốc, số phận đã gắn kết hai người vốn xa lạ lại với nhau.
Lâm Uyển chứng kiến cái chết của vị hôn phu ngay trong phòng cấp cứu.
Còn Trần Kình tìm mọi thủ đoạn để xóa dấu vết phạm tội của em trai mình trong lần đụng xe thảm khốc kia.
Anh nói: “Theo tôi, cho dù là thủ đoạn gì cũng đều là để có thể đạt được mục đích, không có gì là tốt hay không tốt cả, chỉ có thích hợp hay không mà thôi. Cô có thể nói tôi máu lạnh không có nhân tính, bởi vì tôi có người tôi phải bảo vệ, chính vì vậy, tôi buộc phải tàn nhẫn với người khác.”
Cô nói: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo mà là chưa đến lúc.”
Về lý, cô hoàn toàn đúng, về tình, anh cũng không hề sai. Cô chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ lẽ phải, anh chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ người thân.
Và rồi như một sức hút mạnh liệt trái chiều, anh cưỡng bức cô về cạnh mình.
Day dứt, thù hận, yêu thương… họ cứ thế làm tổn thương nhau, rồi lại xóa lành những vết thương đó. Đến cuối cùng, lẽ phải liệu có trở về đúng chỗ? Và yêu thương có viên mãn tròn đầy?
Thêm một review nữa về “Cuộc gặp gỡ chí mạng”. Mọi người cố gắng đọc qua 30% đầu, đoạn sau thực sự rấtttt hayyyy.
Cuộc gặp gỡ trí mạng nội dung đại loại thế này:
Trong một tai nạn xe cộ, Vương Tiêu – vị hôn phu của nữ chính – Lâm Uyển, tử vong. Hung thủ – Trần Túy, dưới sự bao che của anh trai, cũng là nam chính – Trần Kình được xử trắng án. Không cam lòng với cái chết oan ức của vị hôn phu, Lâm Uyển quyết tâm làm rõ sự thật. Nhưng hung thủ thực sự – Trần Túy, dưới sự hỗ trợ của nam chính đã lập tức ra nước ngoài lánh nạn. Không còn cách nào khác, Lâm Uyển liền bám theo Trần Kình tìm cách trả thù. Sau những cuộc đụng độ mãnh liệt, hình ảnh của Lâm Uyển khắc sâu trong tâm trí Trần Kình, hắn dùng mọi thủ đoạn uy hiếp cô về làm tình nhân, cuộc sống chung đầy sóng gió với những toan tính trả thù, đấu tranh và rượt đuổi bắt đầu từ đó…
Mình thích cường thủ hào đoạt, thích ngược, điều này mình không (dám) phủ nhận. Nhưng tất nhiên, mọi việc trên đời này đều có lý do của nó, chẳng thể nào có cái kiểu “ngứa mắt thì hành” cả, con người chứ có phải động vật đâu. Trần Kình mặc dù sai, nhưng hắn có cái lý của hắn. Hắn nói với Lâm Uyển rằng, vị hôn phu của cô đã chết thì dù em trai hắn có vào tù anh ta cũng chẳng thể sống lại, việc hắn làm với cô có thể là tàn nhẫn, nhưng hắn có những người mà hắn phải bảo vệ, vì vậy, hắn chỉ có thể tàn nhẫn với người khác. Đó là điều tất lẽ dĩ ngẫu mà bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hắn cũng làm vậy. Hắn vô lý, nhưng hắn không sai. Còn Lâm Uyển, cô tất nhiên đúng cả tình, cả lý. Vậy tại sao mình lại nói đây là một câu chuyện viên mãn? Bởi tất cả những nhân vật, họ đều sai, vì họ là con người, không phải những vị thần, nhưng họ đều không hoàn toàn là những người xấu, họ đều biết quay đầu, và sự hối cải chẳng bao giờ là muộn.
Trần Kình, mình đảm bảo cả câu chuyện, hắn không làm gì sai. Thứ nhất, việc hắn đổi trắng thay đen, như đã nói ở trên, hắn có cái lý riêng của hắn. Thứ hai, việc hắn vô lại, vô liêm sỉ, cầm thú và biến thái, đó là sự thật (híc), nhưng hắn là một tên cầm thú đáng yêu. Hắn quan tâm đến Lâm Uyển, săn sóc cô, dung túng cô, tất cả đều xuất phát từ bản năng của hắn. Hắn rất bình đẳng, sự bình đẳng này thể hiện ở chỗ hắn thực hiện triệt để nguyên tắc “nam nữ bình quyền” và hành hạ Lâm Uyển mà chẳng coi cô là phụ nữ, bình đẳng quá còn gì.
Nhưng hắn chẳng bao giờ vô lý mà hành hạ cô cả, chỉ là do sự ương bướng thái quá của Lâm Uyển tự rước lấy mà thôi. Hắn giống như một đứa trẻ khám phá thứ đồ chơi mà mình thích, vừa nâng niu trân trọng, vừa muốn tháo ra xem bên trong nó là gì, vừa tò mò, vừa thận trọng, có chút mâu thuẫn và bất an. Có những lúc sau những trận hai người cấu xé, hắn ôm cô mà nói thế này: “Ở nhà quấy nhiễu thế nào cũng được, ra ngoài thì não phải to thêm một chút. Tôi đây tính khí không tốt, ăn miếng trả miếng, cô mà chọc tức tôi, cuối cùng cũng là tự làm khổ chính mình mà thôi.” Thứ ba, hắn không trăng hoa, không đánh đồng cô với đám phụ nữ khác. Hắn ép cô tham gia trò chơi của mình, nhưng hắn coi cô là đối thủ, chứ không phải món đồ chơi của hắn. Mặc dù hắn không công khai thừa nhận địa vị của cô, nhưng hắn hoàn toàn tôn trọng cô khi giới thiệu với bạn bè của mình, không mạt sát, không hạ nhục. Từ ba luận cứ trên suy ra, hắn không hề làm gì sai với Lâm Uyển cả.
Nữ chính, Lâm Uyển, mình hiếm khi thích một nhân vật nào như thế, đủ mạnh mẽ, đủ yếu đuối, đủ nhát gan, đủ bướng bỉnh, đủ điên, cũng đủ khôn. Cô trọng tình trọng nghĩa, mặc dù biết rằng vô vọng, nhưng vẫn chiến đấu đến cùng để đòi lại công bằng cho vị hôn phu đã chết. Cô chấp nhận hy sinh ở cạnh Trần Kình, cũng bởi hắn uy hiếp đến bố mẹ của anh. Khi bị ép ở bên cạnh Trần Kình, điều khác biệt với tất cả những truyện mà mình đã đọc, đó là cả tâm lý và sinh lý của cô đều kháng cự hắn, không hề có sự khuất phục của lý trí đối với thể xác, bởi cô hận hắn đủ sâu để kháng cự lại mọi sự cảm dỗ.
Quá trình biến đổi tâm lý của Lâm Uyển được miêu tả rất logic. Từ hận, sang cam chịu ở bên cạnh hắn, đến khi mục tiêu sống còn lại của cô là làm cho hắn tức giận phát điên lên. Từ kẻ thù, đến đối thủ, sự tiếp xúc đó làm cô càng hiểu hắn sâu sắc, càng hiểu hắn, cô lại càng nhận ra hắn không tàn nhẫn như mình tưởng, thậm chí nhận ra sự quan tâm đặc biệt mà hắn đối với mình. Giai đoạn mà cô trầm cảm chính là giai đoạn cô nhận ra mình yêu hắn. Khi bị hắn cưỡng bức, cô đủ đau đớn nhưng vẫn có thể tỉnh táo, bởi trong cô chỉ có thù hận. Nhưng khi biết mình yêu hắn, ngoài thù hận còn có ăn năn và giằng xé, chính điều này đã làm cho cô rơi vào trạng thái mịt mờ, ít ra, hội chững stockhom ở nhân vật này không làm cho người đọc bị sốc nhiệt vì quá trình diễn ra rất hợp lý, rất logic.
Khi đọc được ¾ câu chuyện, bản năng trong đầu mình nghĩ thế này: Chắc chắn tác giả sẽ lái câu chuyện theo hướng tình cảm của cô đối với vị hôn phu trước đây chẳng qua chỉ là do cô đơn, do thiếu sự ấm áp chở che của người thân mà thôi, còn với cô, Trần Kình mới chính là tình yêu đích thực. Nhưng không. Tác giả đã khéo léo để cả hai phải trả một cái giá đúng đắn, đủ lớn để họ nhận ra sự quan trọng của nhau, đủ lớn để trả món nợ cho người đã khuất, nhưng cũng đủ nhỏ để dẫn đến một cái kết có hậu. Ngay khi quyết định đến với Trần Kình, cô vẫn đến mộ để báo với người xưa một tiếng, cũng như dám công khai để nhận sự phán xử từ gia đình của anh, đó mới là một hạnh phúc trọn vẹn, và cũng là điều khiến mình khâm phục nữ chính.
Lâm Uyển sớm thiếu vắng tình cảm gia đình. Mẹ cô bỏ nhà theo người tình, cha cô vì quá thất vọng đã không còn quan tâm đến cô. Người bà ngoại chăm sóc cô từ nhỏ cũng sớm ra đi, nhưng điều đó không tạo nên một Lâm Uyển lạnh lùng, lãnh cảm với đời. Cô vẫn tin vào con người, vào cuộc sống, thậm chí là càng trân trọng hơn tình cảm giữa con người với nhau. Ngay cả trong giấc mơ, khi cô mơ mình lái xe đâm chết kẻ thù cũng có thể làm cô hoảng sợ, đừng nói là trong hiện thực bảo cô xuống tay hạ sát một người khỏe mạnh bằng xương bằng thịt. Mình thích cách tác giả giải quyết những mâu thuẫn gia đình của
Lâm Uyển. Cô đã từng nghĩ cô hận mẹ mình, người mẹ đã ruồng bỏ cô khi cô còn quá nhỏ. Nhưng khi nghe tin bà ấy đã chết, cô lại cảm giác trống rỗng, lại nhận ra rằng, chỉ cần bà ấy còn sống, còn có thể cùng hít thở dưới một bầu trời với cô cũng là điều hạnh phúc.
Cô cũng đã từng nghĩ mình hận cha, hận người cha đã bỏ rơi đứa con gái nhỏ vô tội. Nhưng nhìn thấy người đã từng nắm tay mình viết từng nét chữ giờ đầu hai thứ tóc, sức khỏe hao mòn, cô lại không thể đành lòng. Cuối cùng, khi cô suy sụp nhất, chính là người cha ấy đã ở bên cạnh thay cô chống đỡ, nấu cho cô từng bữa ăn, lo cho cô từng giấc ngủ những ngày cô vất vả trải qua thời kỳ thai nghén. Đến khi ông nhẹ nhàng đề nghị cô “về nhà”, ngôi nhà của ông và một người phụ nữ khác, với đứa em trai mà cô chưa từng biết mặt, nhưng đứa em trai đó điện thoại đến gọi cô một tiếng “Chị”, và người mẹ đó nói rằng cô hãy “về đi”, là “về đi” chứ không phải “đến đi”. Và trong suốt ba năm trời đằng đẵng, gia đình đó, những con người mà cô nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp đó, lại trở thành gia đình của cô. À, thì ra tha thứ là liều thuốc an thần dễ dàng mà hiệu quả nhất, tình cảm giữa con người với con người không phải chỉ đến từ huyết thống, mà còn là sự chia sẻ, đùm bọc và thương yêu.
Gia đình Trần Kình, ông ngoại hắn, bố mẹ hắn cũng không phải là những gia đình giàu có dung túng cho con cái. Mẹ hắn, không khác gì những bà mẹ thông thường, hay cằn nhằn, thích dùng nước mắt để uy hiếp con cái. Cha hắn, ông ngoại hắn, không ngần ngại bắt hắn quỳ xuống, dùng roi vọt để trừng trị, mặc dù hắn đã là một doanh nhân thành đạt ngoài ba mươi tuổi. Khi nghe những việc hắn đã từng làm với Lâm Uyển, cha hắn bảo: “Còn dám lấy này nọ uy hiếp người ta, mày tưởng chính phủ này là cái siêu thị mày mở, muốn lấy gì thì lấy, trong mắt mày còn có luật pháp không hả?” Những nhân vật đó nghiêm khắc mà đáng yêu đủ khiến người đọc phải gật gù ngưỡng mộ.
Em trai hắn, Trần Túy, kẻ đầu sỏ gây lên tất cả. Hắn nhát gan, trác táng và ấu trĩ. Đó là sản phẩm của bà mẹ yêu thương con hết mực và tên anh trai luôn dung túng bảo vệ em mình. Hắn nhát, nhưng hắn không hèn. Lâm Uyển từng nói với Trần Kình thế này, “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo, không phải không báo, là chưa đến lúc mà thôi.” Lúc cô hận hắn nhất, hắn vẫn nhơn nhơn sống khỏe. Khi tình thế đảo ngược, lời cô nói lại ứng linh.
Hắn bị tai nạn, dường như là trả lại món nợ ngày trước Trần Túy gây ra cho vị hôn phu của cô vậy. Lúc này Trần Túy vẫn đang nhởn nhơ ở nước ngoài, bất chấp tất cả quay về nước. Hắn sợ hãi, nỗi sợ hãi lúc này còn kinh khủng hơn cả khi hắn gây ra vụ tai nạn hồi trước, hắn cảm giác như tất cả đây là Trần Kình nhận báo ứng thay hắn vậy. Hắn qùy xuống xin Lâm Uyển tha thứ và đi đầu thú, chỉ mong ông trời trả lại công bằng cho Trần Kình. Cho dù, có lẽ chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng mình vẫn muốn tin là ông trời có mắt, Trần Kình vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Với Trần Túy, đó là kết cục có hậu cho hắn, cởi bỏ được tảng đá trong lòng, đi tù bảy năm tu tâm dưỡng tính, và kết thúc câu chuyện của hắn cũng phảng phất hình bóng cô nàng bác sĩ trong trại giam nào đó. Ông trời có mắt, và quay đầu không khi nào là quá muộn, cứ tin như thế đi.
Cả những nhân vật khác, chỉ thoảng qua thôi, nhưng cũng làm cho câu chuyện thêm phần ấm áp. Hai người bạn Hướng Dương và Phương Chính, mặc dù vẻ ngoài khả ố nhưng lại trọng nghĩa bạn bè. Cô nàng Phương Mi cố chấp nhưng si tình. Cô bé Trần Tây nghịch ngợm đáng yêu, anh cả của nhà họ Trần ấm áp đầy trách nhiệm, hình bóng người bà đã khuất của Lâm Uyển, cô bạn thân Mễ Lan mặc dù bị sự phản bội của chồng nhưng cuối cùng cũng thấu hiểu nỗi khổ tâm của người đó… tất cả, như một lớp keo hồ vô hình, lặng lẽ gắn kết những mảnh ghép lại với nhau.
Cả câu chuyện, mặc dù có những đoạn tranh đấu gay gắt, mãnh liệt, nhưng bao trùm lên đó là không khí ấm áp, hơi men của tình bạn, tình thân, tình yêu, tất cả đều được đan lồng khéo léo, có chút cảm động, có chút hóm hỉnh, có chút đáng yêu, như một món soup dễ ăn trong những ngày đông ấm áp. Một câu chuyện bình thường, rất bình thường, nhưng chỉ cần để ý một chút thôi, chắc chắn bạn sẽ tìm được ý nghĩa riêng cho mình trong đó.

Link đọc cuộc gặp gỡ chí mạng

Bài viết liên quan